Trong văn học Hác Chiêu

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hác Chiêu xuất hiện ở hồi 97, được mô tả ngoại hình cao chín thước, tay dài như vượn, thiện xạ, nhiều mưu lược. Hác Chiêu được Tư Mã Ý (trong lịch sử là Tào Chân) tiến cử trấn thủ Trần Thương, được Tào Duệ gia phong Trấn tây tướng quân.

Quân Thục tiến đánh Trần Thương, ban đầu do Ngụy Diên chỉ huy, đánh nhiều ngày không hạ được. Gia Cát Lượng ban đầu giận dữ, muốn chém Diên, lại phái đồng hương của Chiêu là Ngân Tường (鄞祥) đến chiêu hàng. Hác Chiêu cự tuyệt, Gia Cát Lượng bèn cho quân tấn công. Hác Chiêu dùng 3.000 quân chống trả 30 vạn quân Thục (trong lịch sử là hơn 1.000 quân[11] với khoảng 1 đến vài vạn quân). Gia Cát Lượng dùng vân thê, xung xa, lấp hào thành nhưng đều bị Chiêu hóa giải. Sau 20 ngày giằng co, Gia Cát Lượng vô kế khả thi.[12]

Đại quân Tào Chân tiến đến, Gia Cát Lượng nghe theo kế của Khương Duy, đi đường Kỳ Sơn, bày mưu chém chết Vương Song, Phí Diệu, lại biết tin Hác Chiêu bị bệnh nặng, liền cho quân đánh Trần Thương, không để Trương Cáp có cơ hội cứu viện. Hác Chiêu mang bệnh chỉ huy, gặp phải tường thành bốc cháy, trong thành hỗn loạn. Hác Chiêu biết tin kinh sợ mà chết, thành Trần Thương cũng bi hạ. Gia Cát Lượng bèn cho vợ con Hác Chiêu đem linh cữu mang về Ngụy để biểu dương lòng trung thành.[13] (Trong lịch sử, vợ con vẫn luôn sinh hoạt, làm con tin ở Lạc Dương; đồng thời Hác Chiêu cũng ốm chết ở Lạc Dương)